Năm Covid thứ 2, 23.07.2021
Đã 15 ngày từ khi Ông Ngoại mất…
Tấm hình này được chụp vào ngày 13.07 trên chuyến xe đưa ông về với Nhà. Chuyến xe từ Sài Gòn về đến Phố Khánh lần này nhanh hơn thường lệ vì lệnh giãn cách xã hội, nhà nhà người người chỉ nên ra đường thật sự cần thiết. Sáng đó, trời thật đẹp. Những tia nắng bắt đầu trải vàng khắp không gian. Mình còn nghe được cả tiếng chim hót trên những rặng cao su xanh ngắt và sao khoảng trời trước mặt lại bao la đến vô cùng…
Một chuyến xe tĩnh lặng. Mình biết, mẹ, mấy cậu và chị đều đang nhớ về những kỷ niệm với ông… dù là những kỷ niệm buồn đi chăng nữa.
Ai có nhiều kỷ niệm hơn, người đó sẽ nhớ lâu hơn.
Cuộc đời của một con người với sự sống ngắn ngủi, nhưng ký ức về người đó vẫn còn lưu giữ trong tâm trí của những người ở lại.
Ông đã sống cùng gia đình mình được gần 7 năm. Để một con người thay đổi môi trường và thói quen sống đã khó. Để một ông lão gần đất xa trời làm điều đó còn khó gấp trăm lần. Có những ngày khó khăn không thuận, có những ngày vui vầy hạnh phúc. Có những ngày ông không chịu uống thuốc khiến mẹ buồn. Có những ngày cuối năm tết đến, nhà vắng thưa người, vẫn phải đến bác sĩ lấy thuốc vì ông bệnh trở nặng. Ông đã cùng mình và mẹ chuyển qua 3 cái nhà mà không một lời ca thán tại sao lại chuyển nhà nhiều như vậy.
Căn hộ đầu tiên mình phải dẫn ông đi xuống đi lên thang máy, đi đến quán ăn sáng trong 3 tháng để ông nhớ đường đi… Để ông có thể tự đi được một mình sau này. Và ông vẫn lụi cụi hằng ngày đi đến quán ăn, ngồi một mình uống ly cafe rồi ăn một tô bún bò đến gần 9h sáng thì đi chầm chậm về nhà trong gần 4 năm… Hàng xóm thấy cách ông đi phiêu diêu như một cơn gió.
Rồi nhà mình chuyển qua căn nhà thứ 2. Lần này đi đứng khó khăn hơn, ông cũng mệt hơn. Chung cư này không dễ đi như nhà cũ, ông phải có thẻ từ để lên xuống… Những thói quen ăn sâu ngày qua ngày như đi cafe sáng ông dần từ bỏ. Đi được một thời gian ngắn thôi, ông không đi nữa. Chỉ loanh quanh trong nhà từ phòng ngủ ra phòng khách rồi đến bàn ăn, rồi cái võng… Càng lớn tuổi, con người càng thu hẹp phạm vi đời sống của mình.
Người già ai cũng thích được con cái cháu chắt cho tiền, dù không để làm gì… Như một thói quen, nếu không có tiền thì lo lắng lắm. Ngày nào ông cũng lấy ví ra đếm từng tờ, xếp ngay ngắn từng mệnh giá rồi cất lại vào trong ví. Cái ví không bao giờ rời khỏi tầm mắt ông. Có lần trong những năm đó, ông quên mất để ví ở đâu… Ông lo lắng hỏi mẹ. Chỉ quanh quẩn trong nhà này thôi, hay lúc qua nhà cậu chơi để quên thôi. Ông vẫn lục đục tìm rồi cả nhà nháo nhào lên theo ông. Thì ra ông để quên trong túi quần lúc tắm, mẹ đem đồ ông ra tủ giặt, cái ví lẩn trong đống đồ ướt… Có lần ông lấy ví ra đưa tiền cho mẹ nói mẹ dẫn ông đi chơi, hay lúc mẹ buồn giận ông vì ông cứ bỏ thuốc không chịu uống, ông cũng lấy tiền ra làm hoà với mẹ… Nhưng mẹ nói không cần, “Ba cứ giữ đó đi”. Mình biết, ông vẫn muốn thể hiện mình còn giá trị với người khác.
Hồi xưa mẹ sắm cho ông cái điện thoại cảm ứng nhưng ông dùng không được, rồi thay bằng điện thoại Nokia đập đá vì ông quen dùng rồi. Mẹ cứ thay điện thoại hết màu đỏ, rồi xanh, rồi đen… nhưng không có cuộc điện thoại nào gọi đến trừ những cuộc gọi của gia đình. Ông bị lãng tai nặng, mang trợ thính thì ông không chịu mang, không ai ép ông được. Có những khoảnh khắc mình bắt gặp ông cầm điện thoại xem giờ rồi đặt xuống. Trong ví của ông vẫn giữ tờ giấy đã ố vàng ghi số điện thoại của bạn, và tờ giấy ghi số điện thoại của gia đình nếu lỡ may ông bị lạc… Những tờ giấy đó đã nằm trong ví 7 năm rồi..
Ông hay kể chuyện về quá khứ của ông. Ngay cả ngày cuối cùng ông vẫn còn hoài niệm về thời tuổi trẻ của mình. Có lẽ đó là thời tự do, vẫy vùng nhất của một đời người. Đến bây giờ thì ông đã được tự do rồi, không còn khổ đau, không còn cô đơn.
Khi nhìn những chiếc lá xào xạc ngoài khung cửa, những cánh chim bay, hay mỏng manh như cánh bướm lượn trên trời cao, trong những ngọn gió hay những cơn mưa, trên những chuyến xe nhìn ra xanh thẳm bầu trời, con sẽ luôn nhớ đến Ông Bà – những “người bạn của tuổi thơ con” đã đi xa mãi…