Càng đến gần một ngưỡng nào đó, càng yên tĩnh đến lạ lùng.

Càng đến gần một ngưỡng nào đó, càng yên tĩnh đến lạ lùng.
Cái yên tĩnh để dừng lại và buông tay với điều mình vẫn rất mong muốn có được. Trong những phút giây cận kề, có cảm giác bước chân đã đi đến tận cùng.
Nhiều lúc, sau một ngày trở về nhà. Dưới ánh đèn vàng của phòng khách, tôi tự hỏi những tính cách hiện giờ của mình hình thành từ đâu.
Có lẽ nó bắt đầu từ những cơn mưa.
Mưa luôn gắn liền với những cuộc chia ly và nỗi buồn của bản thân. Đến bây giờ, sự buông tay lại thành ra dễ dàng hơn việc nắm giữ dài lâu.
Tôi nhớ vào năm 8 tuổi, như một ngày bình thường trong chuỗi ngày cắp sách đến trường mệt mỏi, chiều đó mưa tầm tã. Vẫy tay tạm biệt với mấy đứa bạn. Tôi trú mưa dưới cổng trường. Đứa bé con lúc đó chờ người nhà đến đón. Lúc đó là 4 giờ 30 tan trường. Và tôi cứ đợi, đợi mãi.
Thời đó mà có điện thoại di động như lũ nhóc ngày nay, thì đã khác.
Trời dần ngả đậm màu hơn…
Tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm và thích mưa, thích cả đi bộ và dễ làm quen. Nhất là mấy cô bán chè và tạp hoá gần trường. Đứng ở cổng trường quá lạnh, những bước chân dẫn tôi đến cửa hàng tạp hoá sách báo chếch góc phải bên kia đường một chút. Nhưng chỗ cô cũng đóng cửa rồi nên tôi đứng trước mái hiên nhà, dù gì cũng ấm hơn. Và cứ đợi, đợi mãi…
Không nhớ lúc đó đã mấy giờ, nhưng tôi bắt đầu khóc và dầm mưa đi về… Chẳng hiểu sao lại chọn hướng xa nhà mà đi. Ngày đó hướng đi về con đường trước trường THPT Long Khánh lồi lõm, gập ghềnh, chỉ được có hai hàng cây cổ thụ rợp bóng. Nhưng trong đêm mưa sấm chớp ấy, khung cảnh chẳng lãng mạn gì. Đi hết con đường quỷ dị đó, đến gần nhà thờ trung tâm, thì một cô giáo chạy xe đạp đến và dừng trước tôi. Cô hỏi sao lại dầm mưa thế này. Tôi nói “nhà không đón con”. Và cô bảo tôi chỉ đường, cô chở về. Con bé ngả đầu vô lưng cô và vẫn khóc to cả đường đi.
Vừa đến đầu hẻm Tuyết Liên, tôi thấy bóng dáng bố.Tôi gọi. Ông dừng lại. Lần đầu tiên tôi tức giận mà hất tay ông ra khi ông chạm vào tôi đã ướt nhẹp.
Về đến nhà ngoại, cả nhà xào xáo cũng vì chuyện mẹ tưởng bố đã đón, bố tưởng mẹ đã đón nên thành ra chẳng ai đón cả. Tôi ôm cái khăn lau tóc và nước mắt vẫn lã chã. Lúc đó là 8 giờ tối.
Tôi nhớ mãi câu nói của dì Nâu: sau này, con cứ chờ 15 phút, không thấy ai đón thì hãy tự đi bộ về. Con có thể đi bộ về mà phải không?
Tôi gật đầu. Không ngờ cái gật đầu khi ấy đã hình thành một tính cách thăm thẳm như cái đêm kỳ dị đó.
Rồi tôi được sắm cho một cái đồng hồ đeo tay và có một đôi chân cứ 15 phút không thấy ai đón là đi bộ về nhà. Nó kéo dài đến mãi về sau. Đến bây giờ, khi không còn phải chờ ai đón nữa. Đã tự đi xe, đi bộ, đi làm, đi phượt ngược xuôi một mình trong những đêm tơi tả, tôi nhận ra mình không sợ những đêm mưa mà là một nỗi sợ khác.
Rốt cuộc, tôi hiểu lý do cho tất cả những hành động đó, cho những sự buông tay đã từng xảy ra trong quá khứ của mình. Ngay cả đến bây giờ cũng chẳng dám nói cái nỗi sợ đó ra. Dù đã già tuổi đầu. Đúng là nhát gan…
(Trích nhật ký của “một con mèo nhát gan như thỏ đế”)