A Beautiful Mind – All Love Can Be

Nếu so sánh giữa nhạc phim Avatar và A Beautiful Mind của James Horner, tôi luôn muốn dành tặng vị trí mở đầu cho Một tâm hồn đẹp.

Trong bộ phim A Beautiful Mind 135 phút của đạo diễn John Horward, đã khắc họa thành công cuộc đời của nhà thiên tài toán học John Nash do diễn viên Russell Crowe đóng vai Nash, Jennifer Connelly vai Alicia. Có thể nói để khắc họa được một con người kỳ lạ và lập dị với điệu bộ ngờ nghệch, lúc nghiêm túc lúc đáng sợ, lúc lại thể hiện một tâm hồn yếu đuối, cô độc như Nash, Russell Crowe đã thành công.

Khi Nash cầm tay Alicia chỉ lên bầu trời và nói cô hãy tìm lấy một hình nào đó. Cô muốn hình một cây dù. Nash đã vẽ được bằng những ngôi sao cho cô hay lúc họ trao nụ hôn đầu tiên; khi bệnh tình trầm trọng đến nổi anh xém giết chết đứa con của mình,… Nash nói Alicia hãy bỏ đi, cô không còn an toàn khi ở bên anh… Thì đoạn nhạc trong The Prize of one’s life vang lên. Tất cả cảm xúc đều được nén lại, rất chặt, bệnh tật không còn quan trọng với một người nhận ra mình bị điên và giờ cô độc trong một căn phòng mà người phụ nữ mình yêu thương nhất bỏ đi. Tôi không nghĩ một điều gì khác sẽ đau đớn hơn tình cảnh lúc đó…

Nhưng khi Alicia quay lại, và nói với Nash rằng: Rosen nói với em là hãy gọi cho ông ấy khi anh định giết em hay làm một điều gì tương tự như thế.

Nụ cười của Nash buồn và chấp nhận. Cô nói anh có biết điều gì là thật không?

Cô đưa tay lên ôm lấy khuôn mặt Nash (Điều này là thật).

Cô cầm tay anh đưa lên gò má thất thần của mình (Đây là thật) và trái tim cô là thật.

Thứ có thể giúp anh thoát khỏi cơn mơ của mình không phải là ở lý trí mà là ở trái tim, là tình yêu và cô cần tin rằng điều gì đó phi thường sẽ xảy ra…

Và dáng đi thất thểu, với cái dù trong tay, mái tóc không nếp của Nash hiện hữu lại ở Princeton với sự giúp đỡ của bạn bè. Anh đang làm lại cuộc đời của mình.

Kaleidoscope of Math lại vang lên khi trên tấm bảng, trên cửa sổ là sự biến hóa của những con số, phép tính, là lúc ông căng thẳng nhìn thấy những ảo giác của mình, con người mình tưởng tượng ra, ngăn chúng lại và xóa hết các phép tính. Lúc ông đạp xe quanh trường theo biểu tượng vô cùng, miệng lẩm nhẩm và tay viết vào không trung những tính toán như thời trẻ người ta thấy John thường đi qua hành lang ký túc xá, huýt sáo bài “Little Fugue” của Bach, và đi xe đạp thành hình số 8 hoặc một biểu tượng vô tận gì đó trong sân của khu nhà Fine, biến thành bóng ma của Princeton. Và âm nhạc của James hòa quyện vào từng phân cảnh.

Nash đã sống với những ảo giác trong suốt cuộc đời, ông không uống thuốc hay trở lại bệnh viện, Nash chấp nhận sống chung với nỗi đau khổ, kiềm chế nó. Cái cách đơn giản ông hỏi sinh viên về một người xa lạ xem đó có phải là ảo giác của mình không, chi duy nhất điều đó cũng đủ làm sống dậy một ý chí kiên cường. Một người điên không bao giờ nhận mình điên, nhưng ông ấy tự biết điều đó tồn tại…

Nhân vật John Nash nói trong buổi lễ nhận giải Nobel:

Tôi đã luôn tin vào những con số, trong những phương trình và logic dẫn tới lẽ phải, nhưng sau cả một đời tôi tự hỏi, cái gì là logic thật sự, ai quyết định lẽ phải. Câu hỏi của tôi đã đưa tôi vào một trạng thái, một trạng thái siêu vật lý, đó là ảo giác và trở lại tôi đã có được sự khám phá quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Khám phá quan trọng nhất trong cuộc đời của mình, trong phương trình kỳ diệu của tình yêu, bất kỳ lý do logic nào đều có thể được tìm thấy. Tối nay anh đến đây chỉ vì em, em là lý do để tôi tồn tại, là lẽ phải của cuộc đời tôi…

Nash rút chiếc khăn mùi xoa mà lần hẹn hò đầu tiên bà tặng ông giữa những vì sao. Và All love can be của James Horner đã thể hiện được tất cả những điều đó.